15 cuốn sách truyền cảm hứng cho độc giả tuổi 20

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin

Những cây non thường thích vươn lên cao khi rễ của chúng còn chưa tìm được chỗ bám. Rễ cây càng bám chặt vào đất thì cành lá sẽ càng lớn mạnh rực rỡ về phía mặt trời. Trí tuệ của tuổi trẻ cũng vậy. Khi chưa bị đè nặng với những định kiến nặng nề về cuộc sống của thế hệ đi trước, trí tưởng tượng mạnh mẽ và niềm khao khát kiến thức của tuổi trẻ không được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan chỉ có thể tích lũy qua kinh nghiệm sống.

Sách là con đường tắt đến với kinh nghiệm sống. Sách hợp nhất các thế kỷ, đưa sự thông thái của các thời đại đến cho những ai mong muốn nắm bắt được. Những người ở độ tuổi 20 có thể tìm thấy ý nghĩa và phương hướng cho cuộc sống của họ bằng cách tìm hiểu xem những người khác đã giải quyết khó khăn trong cuộc sống như thế nào thông qua văn học.

15 quyển sách này sẽ giúp bạn vượt ra ngoài mọi trải nghiệm bạn có và hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất con người và về con người mà bạn đang muốn vươn tới.

1. Hamlet – William Shakespeare

Link sách từ Thư viện

Đừng vội nản lòng vì Hamlet là vở kịch dài nhất của Shakespeare. Hàng trăm năm nay các nghệ sĩ, nhà văn và giới phê bình luôn tôn vinh đây là một trong những tuyệt tác của lịch sử loài người. Tuy bốn thế kỷ đã trôi qua từ khi vở kịch ra đời, Hamlet vẫn luôn là một tác phẩm thích hợp với giới trẻ. Khi xây dựng vở kịch trên bối cảnh ở Đan Mạch hơn 1000 năm trước khi ông sinh ra, Shakespeare đã bảo đảm rằng tác phẩm của ông bất diệt đối với mọi thời đại.

Hoàng tử Hamlet là nhân vật đầy cảm hứng với nhiều thế hệ: một thanh niên ưu tú bị dằn xé bởi tính thiếu quyết đoán, nỗi trăn trở về sự hiện hữu và ý muốn phản kháng lại số phận nhục nhã.

Nghệ thuật miêu tả của Shakespeare về những chủ đề tâm lý như điên loạn, trả thù, tình yêu, tự sát, trách nhiệm và sự dày vò tình cảm là bất tận. Nếu bạn từng thấy khó khăn trong việc biểu đạt sự xung đột tâm lý của tuổi trẻ thì bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm trong nhân vật Hoàng tử Hamlet của Đan Mạch này.

2. The Odyssey – Homer

Link sách từ Thư viện

Giống như vở kịch Hamlet, sử thi Odyssey kể về một thanh niên tầng lớp quý tộc luôn nhớ về người cha của mình và than vãn rằng mình còn quá nhỏ không thể bảo vệ danh dự gia đình. Chàng thanh niên Telemachus đau khổ về cái chết của người cha anh hùng Odysseus, người thật ra đang bị giam giữ ở một hòn đảo xa. Trong thời gian vắng mặt cha, Telemachus đã phải chịu đựng đám người đến cầu hôn mẹ cậu. Vì mong chiếm được cảm tình của bà, đám người này đã chiếm dụng căn nhà của cậu để ở và thậm chí đẩy cậu vào cảnh đói nghèo do thói ăn chơi nhậu nhẹt của họ.

Tác phẩm sử thi được sáng tác cách đây 2800 năm và cùng với Iliad, đây được xem là đại diện thời kỳ đầu của thánh thư tôn giáo phương Tây. Thật thú vị khi biết rằng tất cả tác phẩm văn học phương Tây đều bắt nguồn từ quyển sách này, và đề tài của câu chuyện vẫn hấp dẫn cho đến ngày nay. Tình dục, chiến tranh và các vị thần đều là những chủ đề hay, nhưng chính tình cảm sâu sắc và động lực cao cả của các nhân vật trong tác phẩm mới thật sự để lại ấn tượng sâu đậm hơn cho người đọc.

3. Patriotism (tạm dịch: Lòng yêu nước) – Yukio Mishima

Link sách từ Thư viện

Patriotism là một truyện ngắn của Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn phản ánh thái độ đối với tình yêu và cái chết hoàn toàn khác với cách suy nghĩ thông thường của đa số bạn trẻ tuổi 20. Đại úy Shinji Takeyama và người vợ 23 tuổi Reiko đều tự sát theo nghi thức để phản ứng lại một cuộc nổi loạn chống Quân đội Hoàng gia. Shinji bị buộc tham gia và chọn cách mổ bụng tự sát vì không thể thất tín đối với cả hoàng đế và đồng đội của mình. Người vợ hiền tận tụy lập tức quyết định cùng chồng kết thúc mạng sống.

Truyện ngắn sử dụng ngôn ngữ thơ đầy hình ảnh để khắc họa bức tranh tương phản giữa nét nhạt nhòa của căn hộ và thời tiết bên ngoài với lý tưởng cao quý mà hai vợ chồng Shinji hằng tìm kiếm và biểu hiện qua hành động phi thường của họ. Cảnh hai vợ chồng Shinji ân ái lần cuối cùng trước khi chết đã được Mishima miêu tả một cách tuyệt đẹp đến tận cùng cảm xúc mà không làm mất đi nét tinh tế cao quý của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

4. A Confederacy of Dunces (tạm dịch: Âm mưu Dunces) – John Kennedy Toole

Link sách từ Thư viện

Cuốn tiểu thuyết hài hước, sâu sắc nhưng bi thương được xuất bản 11 năm sau khi tác giả tự tử vì tin rằng mình chỉ là kẻ thất bại. Walker Percy, một nhà văn phương Nam vĩ đại khác ở thế kỷ 20 đã nhận xét rằng nhân vật chính trong tiểu thuyết là “kẻ cuồng loạn chống lại cả thời hiện đại”.

Câu chuyện xoay quanh Ignatius J Reilly, một người hoạt bát và thông minh xấp xỉ tuổi hai mươi, bị thất nghiệp và trở về sống với mẹ ở New Orleans chính vì bản tính lười nhác và thói quen kỳ quặc. Anh là một người có nhiều lý tưởng cao cả, mang dòng dõi quí tộc và đam mê triết học thời trung cổ, nhưng cũng chính điều này đã khiến anh trở thành người dị thường trong một thế giới nhạt nhẽo với vai trò người bán bánh mì kẹp xúc xích rong trên đường phố.

Mặc dù truyện khá giống hồi ký, tác giả trào phúng vẻ ngoài tỉnh lẻ, tính dục bị kìm nén, và nỗi sợ thay đổi của Ignatius. Tuy nhiên, điều này được tác giả viết khá nhẹ nhàng bởi vì đối tượng châm biếm không phải là Ignatius mà chính là xã hội đã phủ nhận anh. Một tác phẩm thích hợp cho những bạn đọc tuổi hai mươi cảm thấy bản thân lạc lõng trong thế giới mình đang sống.

5. Notes from Underground (tạm dịch: Viết dưới lòng đất) – Fyodor Dostoyevsky

Link sách từ Thư viện

Nếu bạn cảm thấy mình khó hòa nhập với xung quanh, khép mình hoặc không biết cách khẳng định bản thân, bạn sẽ dễ dàng cảm thông với nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Nga nổi tiếng này. Chủ đề hiện sinh và sự bất lực trong hành động của nhân vật chính vô danh trong tiểu thuyết khiến ta nhớ đến Hamlet. Ông là một công chức về hưu, đắm mình trong sự hoang tưởng, buồn chán và lười nhác. Chính cuộc tìm kiếm giá trị đạo đức của bản thân đã ngăn ông hành động và khiến ông càng trở nên bất lực với cách suy nghĩ này. Ông căm ghét thói tự tôn và thể hiện sự nổi loạn chống lại những bất ổn văn hóa mà tuổi trưởng thành để lại.

Sự thù ghét tột độ với xã hội và cả những con người ông cho rằng là đại diện của xã hội đó đã biến ông thành một kẻ bất hạnh đáng thương vì không thể thay đổi được cuộc sống của những người xung quanh. Câu chuyện như một lời cảnh báo cho lứa tuổi hai mươi vốn đôi khi bất mãn với xã hội. Những lúc như vậy, chúng ta nên hướng những suy nghĩ này trở nên thực tế, thay vì để mình chìm đắm trong đó.

6. A Clockwork Orange (tạm dịch: Quả cam đồng hồ) – Anthony Burgess

Link sách từ Thư viện

Những con đường trong tương lai kinh hoàng của cuốn tiểu thuyết tiên tri này do những băng nhóm thanh niên coi hiếp dâm và trộm cắp là một thú tiêu khiển thống trị. Tạp chí Time từng đưa tác phẩm này vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hàng đầu. Cuốn sách thích hợp cho bạn đọc tuổi hai mươi bởi nó không chỉ cho ta hiểu giới trẻ có thể bị quyến rũ bởi ma túy, bạo lực và tội phạm như thế nào mà còn cho thấy họ có thể được cứu rỗi. Tác phẩm được viết từ góc nhìn của Alex, thủ lĩnh khét tiếng của một băng chuyên cưỡng hiếp, đồng thời cũng là một chàng trai trẻ thông minh và khá dễ mến.

Việc cải tà quy chính của Alex bị các chính trị gia đối đầu sử dụng như một cách để hạ nhục kẻ khác. Đến cuối cùng, không phải chương trình xã hội hoặc bài kiểm tra khoa học khiến Alex thay đổi trở thành người có ích cho xã hội mà đơn thuần là nhờ vào thiện chí muốn trở thành người tốt của Alex mà thôi.

7. Beyond Good and Evil (tạm dịch: Thánh thiện và Xấu xa) – Friedrich Nietzsche

Link sách từ Thư viện

Đọc tác phẩm của Nietzsche là một trong những cách tốt nhất để các bạn trẻ tuổi hai mươi có thể thách thức quan điểm của mình vì tác giả luôn cố tình chống đối và phản bác những quan niệm đạo đức từ lâu đời của xã hội phương Tây. Cho dù quan điểm của bạn như thế nào, bạn rất có thể sẽ không đồng ý với mọi thứ trong cuốn sách, nhưng đó mới là điểm hay của tác phẩm.

Nietzsche cho thấy cái nhìn sáng tạo, táo bạo và ương ngạnh nhất của một nhà triết học về tương lai. Thoát ly Thiên Chúa giáo và chối bỏ sự hiện hữu của bất kỳ giá trị đạo đức chung nào, Nietzsche lý luận cái tốt chính là cái mang đến sức mạnh và nâng đỡ con người. Tác phẩm của ông phá bỏ hoàn toàn mọi triết lý và vì thế đặc biệt hấp dẫn với lứa tuổi 20 vốn luôn có cái nhìn táo bạo đối với tương lai và khao khát vứt bỏ gánh nặng định kiến và sự giả dối trong văn hóa phương Tây.

8. The Rum Diary (tạm dịch: Nhật ký rượu Rum) – Hunter S. Thompson

Link sách từ Thư viện

Nhà báo nổi tiếng ăn chơi Hunter Thompson viết The Rum Diary khi ông mới 22 tuổi. Tuy trẻ tuổi, quyển tiểu thuyết cho thấy nỗi trăn trở về tuổi già. Khá giống hồi ký, câu chuyện kể về nhà văn Paul Kemp khi ông ta chuyển từ Puerto Rico đến sống ở New York để làm việc cho một tờ báo thể thao.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Earnest Hemingway, câu chuyện cho thấy những tác hại khôn lường của việc ăn chơi vô độ và nghiện rượu. Thật đáng buồn khi biết rằng Thompson nghiện rượu cả đời cho đến khi ông tự sát ở tuổi 68.

9. The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc) – Ernest Hemingway

Link sách từ Thư viện

Cũng giống như The Rum Diary, cuốn tiểu thuyết kể về những kẻ nghiện rượu và được viết khi tác giả ở độ tuổi 20. Dựa trên bối cảnh Paris và Tây Ban Nha trong những năm tháng tươi đẹp của tuổi 20, tác phẩm này được xem là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên và kinh điển của văn học Mỹ.

Câu chuyện kể về một nhóm bạn trẻ người Mỹ và Anh đều nghiện rượu nặng trên đường đến Tây Ban Nha để xem đấu bò và đua bò. Bạn đọc trẻ tuổi sẽ dễ đồng cảm với mối quan hệ bùng nổ giữa các nhân vật dựa trên những nguyên mẫu ông từng quen biết.

10. The Outsider (tạm dịch: Người ngoài cuộc) – Colin Wilson

Link sách từ Thư viện

Ở tuổi 24, nhà triết học Colin Wilson vừa lang thang vừa viết cuốn tiểu thuyết này trong phòng đọc của viện Bảo tàng Anh. Wilson hy vọng những nhân vật chính “ngoài cuộc” này sẽ khác với các tiểu thuyết hiện sinh của các tác giả như Dostoevsky, Camus và Sartre và mang lại tư duy mới.

Câu chuyện là nỗ lực của tác giả trong việc xây dựng triết lý hiện sinh mới tích cực hơn trong thời kỳ hiện đại bằng cách phân tích các nhân vật văn học đứng bên trên hoặc ngoài lề xã hội mà họ đang sống. Các học giả lớn tuổi nổi giận khi một chàng trai trẻ thông minh viết được một cuốn sách nổi tiếng như cồn, nhận định một cách ngắn gọn về vấn đề tha hóa của con người, thậm chí còn đưa ra cả một giải pháp tinh thần. Wilson đề cập đến nghệ thuật và triết học không phải bằng lý luận phê bình hay những quan niệm học thuật nhàm chán mà bằng cách đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại.

11. Tropic of Cancer (tạm dịch: Hạ chí tuyến) – Henry Miller

Link sách từ Thư viện

Cuốn tiểu thuyết Mỹ gây nhiều tranh cãi được xuất bản lần đầu tiên ở Pháp năm 1934, sau đó bị cấm xuất bản ở Mỹ đến tận năm 1964. Tuy có khá nhiều phần miêu tả cảnh quan hệ tình dục với khuynh hướng khiêu dâm, quyển sách vẫn được xem là một tuyệt tác của văn học thế kỷ 20.

Cuốn tiểu thuyết theo kiểu hồi ký này viết về quãng thời gian sống ở Paris của Miller, vốn là người New York. Tác giả vất vả đối diện với cảnh vô gia cư, nỗi cô đơn và tuyệt vọng sau khi chia tay người vợ. Truyện cũng có những điểm nhấn tích cực khi Miller tô điểm nét đẹp của sự trải nghiệm trong cách hành văn của mình. Dù là chủ đề tình dục hay thức ăn, Miller đều tán dương cảm giác lý tính với lòng nhiệt thành gần như tuyệt đối. Chính nỗi khát khao không gì cưỡng lại được đối với cuộc sống khiến tác phẩm trở nên vô cùng giá trị đối với giới trẻ độ tuổi 20.

12. 1984 – George Orwell

Link sách từ Thư viện

Kể từ khi xuất bản năm 1949, tác phẩm cổ điển này đã làm thay đổi cách chúng ta bàn về chính trị và chính phủ. Câu chuyện đầy kinh hoàng vẽ ra tương lai trong đó toàn bộ thế giới phương Tây được cai trị bởi một chính phủ xã hội chủ nghĩa độc tài tàn bạo mà theo đó toàn bộ lịch sử được viết lại để ủng hộ cho chính sách của đảng phái. Những tư tưởng chống lại nhà nước đều bị xem là tội phạm.

Bạn đọc tuổi hai mươi nên đọc cuốn sách này, không chỉ vì nó có ảnh hưởng đối với văn hóa bình dân, mà bởi vì nó mô tả một tương lai kinh hoàng có thể trở thành hiện thực. Giới trẻ cần phải có ý thức về giá trị và sự mong manh của tự do mà họ khó khăn mới giành được để ngăn chặn một nhà nước như “1984”.

13. The Canterbury Tales (tạm dịch: Truyện cổ xứ Canterbury) – Geoffrey Chaucer

Bạn có thể băn khoăn liệu một tác phẩm văn học thế kỷ 14 có gì phù hợp với cuộc sống của những bạn trẻ ngày nay. The Canterbury Tales tập hợp nhiều câu chuyện được kể bởi những nhân vật tưởng tượng khác nhau khi đang trên đường hành hương từ London đến Canterbury ở vùng Kent nước Anh.

Mỗi câu chuyện thú vị cho thấy những nhận thức khác nhau về thực tế cuộc sống từ những tuýp nhân vật khác nhau: từ chàng hiệp sĩ cao quý đến ông chủ xưởng bột say xỉn. Mỗi truyện là một bài học đạo đức hoặc ngụ ngôn với thông điệp về tình dục, tình yêu, tôn giáo, giai cấp, hoặc những đề tài bức xúc khác. Những vấn đề mà các nhân vật phải đối diện vẫn luôn là mối quan tâm không hề thay đổi cho dù ở thời đại nào.

14. The Descent of Man (Nguồn gốc con người) – Charles Darwin

Link sách từ Thư viện

Đã không còn những ngày khi tất cả mọi người tin vào Adam và Eve và bảy ngày tạo dựng. Tuy nhiên, dù nhiều người cho rằng có đầu óc khoa học, lại rất ít người muốn thực sự đọc những lý thuyết của Darwin về nguồn gốc của loài người. Xuất bản 12 năm sau tác phẩm gây nhiều tranh cãi On the Origin of Species (“Nguồn gốc các loài”), đây là cuốn sách thực sự trả lời câu hỏi loài người xuất hiện như thế nào.

Gần một thế kỷ rưỡi sau khi quyển sách được xuất bản, chúng ta phát hiện ra DNA, lập bản đồ hệ gen của con người và có thêm nhiều khám phá khoa học khác, một vài trong số đó đã khiến một phần cuốn sách của Darwin trở nên dư thừa. Tuy nhiên, lý thuyết cốt lõi trong tác phẩm của Darwin rằng nhân loại tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính từ sinh vật giống vượn vẫn là điều không thể chối cãi.

15. The Divine and the Decay (tạm dịch: Thần thánh và Mục rữa) – Bill Hopkins

Được người bạn Colin Wilson đánh giá là một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 21, The Divine and the Decay đi vào lãng quên một cách đáng buồn vì các nhà xuất bản thu hồi tất cả các bản sao của tác phẩm và đem đi hủy để làm dịu cơn cuồng loạn của các nhà phê bình.

Không có cuốn tiểu thuyết nào khác trong thời gian gần đây dám nhìn nhận một cách trung thực về tình trạng của con người và đề nghị dùng sức mạnh ý chí phi thường để thay đổi. Chuyện kể về một chính trị gia người Anh trẻ tuổi, sau khi sắp xếp vụ ám sát một đối thủ trong đảng của ông, đã đi đến một hòn đảo nhỏ ở eo biển Anh để có bằng chứng ngoại phạm. Các nhân vật anh ta gặp trên đảo tượng trưng cho các loại người khác nhau mà anh ta phải đấu tranh trong thế giới rộng lớn. Mâu thuẫn của anh ta với người dân trên đảo cho thấy sự phê phán đối với những rắc rối của văn hóa phương Tây hiện đại. Nhân vật chính phải vật lộn với sự tự nghi ngờ nhưng đến cuối cùng đã vượt qua được điểm yếu của mình một cách ngoạn mục. Cuốn tiểu thuyết này sẽ nâng cao tinh thần của độc giả ở tuổi đôi mươi, mang lại hy vọng và lòng can đảm khi họ bước vào hành trình của cuộc sống.

Theo Lifehack

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo