7 Sở thích giúp não bạn thông minh nhanh nhạy

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin

Mọi bộ phận cơ thể chúng ta đều dần lão hóa. Não bộ cũng vậy. Chúng ta đều thấy được những người thân lớn tuổi trong gia đình trở nên kém minh mẫn hơn trước như một lẽ tự nhiên. Thật không may là họ đã đánh mất trí nhớ ngắn hạn và dần dần mất đi cả các chức năng điều hành của bộ não, khi các thùy trán phải mất đi chất xám và bị “nhũn” – bộ não trở nên mơ hồ và khó có thể suy nghĩ rõ ràng. Ngay cả khi không mắc phải căn bệnh Alzheimer đáng sợ, não bộ của chúng ta cũng sẽ lão hóa. Nhưng giờ đây, khoa học thần kinh đã chứng minh được rằng chúng ta có thể làm chậm quá trình này. Trong một vài trường hợp, chúng ta thậm chí còn có thể đảo ngược quá trình suy thoái của não nhờ những hoạt động cụ thể, mà phần lớn chúng chỉ là những thú vui thông thường. Dưới đây là 7 sở thích giúp não bạn hoạt động tốt hơn!

1. Đọc, đọc và đọc!

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đọc thực sự làm tăng chức năng của nhiều vùng não bộ, bất kể bạn đọc truyện tranh hay là báo New York Times. Nó kích thích tạo ra các đường chuyển hóa thần kinh mới mỗi khi chúng ta tiếp thu thông tin mới. Việc đọc giúp những bộ phận chuyên giải quyết vấn đề được “động não”, nhìn ra khuôn mẫu và diễn dịch lại cho chúng ta những cảm xúc mà người ta đang nói đến. Đọc cũng giúp cải thiện trí nhớ, củng cố kiến thức đã biết (nhiều kết nối thần kinh hơn) và luyện tập các phần não bộ dành cho việc tưởng tượng. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra đọc nhanh (speed reading) là một phương pháp để tăng cường các khớp thần kinh (synapse – các xung điện giữa các vùng não), vì não bộ sẽ phải xử lý thông tin từ các giác quan một cách nhanh chóng. Thật vậy, đối với nhiều sinh viên, đọc nhanh là một kỹ năng vô cùng có giá trị!

2. Học chơi một nhạc cụ

Trong nhiều năm, các nhà khoa học thần kinh đã tiến hành nghiên cứu về lợi ích của việc dạy nhạc cho trẻ em trong mối tương quan với việc cải thiện các chức năng nhận thức, chẳng hạn như chức năng ghi nhớ, giải quyết vấn đề, xử lý tuần tự, hay nhận dạng mẫu. Việc chơi một nhạc cụ (hoặc hát), sẽ làm tăng hàm lượng chất xám và hình thành các kết nối thần kinh giữa hai bán cầu não. Vì lý do này, các nhà khoa học tin rằng nếu được luyện tập về âm nhạc từ sớm, học sinh sẽ học tốt hơn cả hai môn Toán học tuyến tính (thuật toán, giải phương trình) và Toán học giải quyết vấn đề (mô hình hóa, tối ưu hóa, nghiên cứu vấn đề). Chơi một nhạc cụ giúp hai bán cầu não phối hợp tốt hơn nhiều.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu cho biết rằng học chơi nhạc cụ khi lớn – dù là người trẻ tuổi, trung niên, hay lớn tuổi – thì đều đem lại những tác động đến thần kinh giống như đối với trẻ em.

3. Tập thể dục thường xuyên

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tập thể dục sẽ làm sản sinh ra protein BDNF trong máu. Khi máu được bơm lên não, các tế bào hấp thụ loại protein này, giúp tăng khả năng ghi nhớ và tập trung. Một trong những thí nghiệm đáng chú ý nhất là một bài kiểm tra việc ghi nhớ hình ảnh đối với 2 nhóm: nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng. Nhóm thử nghiệm tập thể dục trước khi kiểm tra, còn nhóm đối chứng thì không. Kết quả kiểm tra của nhóm thử nghiệm tốt hơn một cách áp đảo so với nhóm còn lại. Các thành viên của nhóm có thể tập trung vào các bức ảnh và sau đó nhắc lại chúng sau một khoảng thời gian.

4. Học một ngôn ngữ mới

Có tất cả 4 khu vực của não bộ được sử dụng trong quá trình chúng ta nghe, nhận biết ý nghĩa và rồi phản xạ lại. Người nói song ngữ có nhiều chất xám hơn tại các trung tâm ngôn ngữ trong não của họ. Họ có thể làm nhiều việc cùng lúc vì các phần não bộ có liên quan đến lý luận, lập kế hoạch và ghi nhớ trong não họ phát triển hơn người chỉ biết 1 ngôn ngữ. Một lần nữa, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu lại vấn đề này ở trẻ em, xem xét các trường hợp mà đứa trẻ khi đến trường được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng lúc về nhà lại sử dụng một ngôn ngữ khác. Bị buộc nghe những âm thanh từ hai ngôn ngữ khác nhau và “phân loại” xem mình đang nghe ngôn ngữ nào khiến các vùng ngôn ngữ của não bộ hoạt động tốt hơn. Và giờ thì người ta đều biết học một ngôn ngữ mới ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều đem lại ảnh hưởng mạnh mẽ khiến bộ não trở nên thông minh hơn.

5. Học tập tích lũy

Học tập tích lũy (cumulative learning) được định nghĩa là quá trình thu thập các thông tin mới để bổ sung cho những gì chúng ta đã biết. Một ví dụ đơn giản của học tập tích lũy là việc học toán. Đầu tiên, học sinh sẽ học các phép tính cơ bản. Sau đó là học cách sử dụng các phép tính đó để giải những bài toán đố. Tiếp theo, chúng sẽ học toán đại số, sử dụng các phép tính cơ bản đó để giải phương trình. Như vậy, mỗi lớp thông tin mới sẽ chồng lên và bổ sung thêm cho những gì đã có. Khi chúng ta già đi, đặc biệt là lúc nghỉ hưu, nhiều người thường có xu hướng ngừng các hoạt động học tập tích lũy. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu tiếp tục tích lũy thêm kiến thức, chúng ta sẽ làm tăng khả năng ghi nhớ, xử lý theo trình tự, giải quyết vấn đề (chức năng điều hành của thùy trán phải), và xử lý ngôn ngữ. Vậy thì có lẽ khi lớn tuổi, tất cả chúng ta nên quay lại trường để học một lớp toán, hay ngữ văn!

6. Rèn luyện đầu óc bằng các câu đố và trò chơi

Hãy xem bộ não chúng ta giống như một chiếc “máy tính có cơ bắp”. Càng nhiều thông tin được đưa vào, não bộ sẽ càng thể hiện nhiều chức năng. Đồng thời, bộ não chúng ta càng được luyện tập nhiều thì chúng sẽ càng hoạt động mạnh mẽ. Tính dẻo của não (brain plasticity) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các kết nối mới liên tục được tạo ra khi chúng ta tiếp nhận thông tin, suy nghĩ, và buộc mình phải ghi nhớ. Việc giải ô chữ, các trò chơi suy diễn, trò chơi chiến thuật như cờ vua, hay thậm chí là một số video game, sẽ buộc não phải tiếp nhận thông tin mới và tạo ra các kết nối mới.

7. Thiền hoặc Yoga

Thiền không còn được xem chỉ như là “điều những thầy tu Ấn giáo hay Phật giáo làm” nữa. Các nghiên cứu về thiền định cho thấy kết quả thực sự đáng kinh ngạc. Đầu tiên, khi thiền, chúng ta kiểm soát suy nghĩ tốt hơn lúc bình thường. Khả năng kiểm soát này cho phép bạn tập trung và ghi nhớ tốt hơn. Trong thực tế, những học sinh có thiền định làm bài kiểm tra tốt hơn, và người trưởng thành thiền định có trí nhớ tốt hơn. Thiền làm tăng chất xám ở các vùng não kiểm soát việc học tập và ghi nhớ. Người cao tuổi ngồi thiền sẽ giữ được nhiều chất xám hơn những người không làm điều đó. Đối với học sinh cá biệt ở trường học, người ta đã chứng minh rằng thiền giúp cải thiện hành vi của các học sinh này, các em cũng đi học đều đặn hơn vì thiền làm giảm căng thẳng và lo lắng. Dường như thiền định là một điều tuyệt vời đối với mọi lứa tuổi!

Tất cả 7 sở thích trên đây đều là những điều mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Với những gì khoa học hiện nay đã chứng minh, chúng sẽ giữ cho bộ não của chúng ta luôn luôn khỏe mạnh.

Theo Lifehack

* Khuyễn mãi dành cho các bạn đọc:

- Giảm tới ~70% cho các bạn đọc khi sử dụng gói ưu đãi trước 

- Đọc sách không hạn chế với gói đọc sách trọn đời

- Các bạn có thể nhận sách miễn phí theo yêu cầu tại đây

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo