Những cuốn sách tuổi thơ còn đó, nhưng thế giới thì đã đổi thay

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin

Đọc lại những cuốn sách ưa thích từ thời thơ ấu với con trai đã mang chúng tôi lại gần nhau hơn, nhưng cũng nhấn mạnh cuộc sống đã thay đổi nhiều thế nào.

 

James – con trai tôi – từ trước tới nay luôn có chút gì đó của một nhà thám hiểm, và thỉnh thoảng thằng bé lại vô tình bắt gặp những điều bất ngờ. Có khi là sọ của một con vật nào đó không rõ mà thằng bé mang về nhà từ cuộc dạo chơi trong rừng, lần khác là chiếc vương miện đã mòn mất một nửa chôn dở trong đất được nó tìm thấy ở công viên. Nhưng phát hiện thú vị nhất của thằng bé lần này đã về tới nhà chúng tôi, nó đã tìm thấy những quyển sách thiếu nhi cũ kĩ ngả vàng được cất giấu trong một chiếc tủ lộn xộn.

Tôi đã quên mất là chúng ở đó – những câu chuyện tôi đã từng ngấu nghiến ở độ tuổi chừng lên tám đến mười một, tất cả được gói trong những túi đựng rác màu đen căng đầy. Khi chúng tôi bỏ những cuốn sách ra khỏi túi và xếp chúng lên sàn phòng khách, James đã dành cho tôi những câu hỏi dồn dập. Chúng nói về cái gì? Đâu là những cuốn sách ưa thích của tôi? Liệu chúng tôi có thể đọc nó cùng nhau không?

Tôi vẫn luôn đọc truyện cùng James kể từ khi thằng bé mới tập đi, nhưng những quyển sách này thì lại đặc biệt. Lần đầu tôi đọc chúng là khi tôi đang bắt đầu khám phá về bản thân, và trong khi phần nào đó trong tôi hồi hộp xúc động với ý tưởng được ôn lại chúng, tôi cũng có một chút lo lắng. Lỡ như đọc lại những câu chuyện đó với con mắt người lớn sẽ vạch trần những khiếm khuyết của chúng, làm lu mờ đi những kí ức tôi đã mang theo hàng thập kỉ?

Đối với một vài trường hợp, tôi đã đúng khi lo lắng như vậy. Khi là một cậu bé tôi đã yêu thích Tom’s Midnight Garden (tạm dịch: Khu vườn lúc nửa đêm của Tom), nhưng chúng tôi đã nhảy cóc qua quyển sách đó chỉ sau bốn chương. James thích Hardy Boys (tạm dịch: Các cậu con trai nhà Hardy), nhưng tôi thì không thể hiểu nổi cái gì đã cuốn hút tôi hết câu chuyện trinh thám này tới câu chuyện trinh thám khác trong khi chúng thật nhạt nhẽo và công thức. Thậm chí ngay cả những cuốn sách của tác giả Roald Dahl yêu quý của tôi dường như cũng chẳng còn thú vị chút nào.

Nhưng những cuốn sách tôi yêu thích nhất thời thơ trẻ vẫn không mất đi sự lôi cuốn màu nhiệm của chúng. Khi còn nhỏ, tôi đã đọc mọi cuốn sách của Robin Jarvis mà tôi có thể có được – tôi yêu những câu chuyện kì ảo siêu nhiên tăm tối của ông. Loạt sách Deptford Mice (tạm dịch: Những chú chuột khu Deptford) chứa đầy những nhân vật chi tiết, phức tạp, không hề kém cạnh so với văn học dành cho người trưởng thành, và bộ ba cuốn sách Wyrd Museum (tạm dịch: Bảo tàng định mệnh) của ông là một cuộc xung đột đáng sợ giữa thiện và ác với số lượng thương vong ngang ngửa với những tác phẩm của George RR Martin.

James và tôi xem qua tất cả những cuốn sách, nhưng bộ ba cuốn Whitby Witches (tạm dịch: Phù thủy xứ Whitby) đã làm chúng tôi đặc biệt say mê nhất. Câu chuyện về hai đứa trẻ mồ côi được gửi đến sống cùng một bà già quái gở ở bờ Biển Bắc Yorkshire lấy cảm hứng dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết và lịch sử địa phương. Những cuốn sách vô cùng rùng mình và cực kỳ lôi cuốn, nhưng chúng cũng giải quyết một vài vấn đề thực sự thách thức một cách táo bạo, bao gồm cái chết của người thân, sự cô lập và nỗi căng thẳng đau đớn của một mối quan hệ giữa hai anh em sống phụ thuộc vào nhau. Chúng thậm chí còn bao gồm cả – cảnh báo tiết lộ nội dung – mang thai do hôn nhân ép buộc. Tất cả đã được giải quyết với sự trưởng thành đáng kinh ngạc và không có một chút yếu tố gây sốc rẻ tiền.

Chúng tôi yêu thích câu chuyện tới nỗi chúng tôi đã ghé thăm Whitby vào kì nghỉ hè và dành nhiều giờ đồng hồ vui vẻ thám hiểm những địa điểm đã truyền cảm hứng cho cuốn sách. James đặc biệt mê mẩn văn hóa gothic của thị trấn, thứ văn hóa vốn đã vượt ra khỏi mối liên quan với Dracula của Bram Stoker. Kể từ khi chúng tôi trở về, thằng bé đã nhuộm tóc, sơn móng tay đen và khăng khăng muốn một hộp đồ ăn trưa có trang trí hình đầu lâu cho năm học mới.

Nhưng khi chúng tôi đang phóng tầm mắt qua vịnh, James quay qua tôi và hỏi về một khoảnh khắc trong cuốnA Warlock in Whitby (tạm dịch: Thầy phù thủy ở Whitby) khi cậu bé Ben tám tuổi ở ngoài bãi đá và sắp bị cô lập bởi cơn thủy triều.

“Tại sao cậu ta không lấy điện thoại của cậu ta ra?” James hỏi. “Như thế cậu ta đã có thể gọi ai đó giúp đỡ rồi.”

Khi tôi lần đầu đọc The Whitby Witches, các nhân vật chính là những người bạn đương thời của tôi. Tới thế hệ James, họ là những sinh vật cổ xưa lạ lùng của những năm 1990 xa xôi – những người không bao giờ rút ra một chiếc iPhone hay dành ra cả tiếng đồng hồ nhàn rỗi trên Youtube. Những nhân vật này đối với thằng bé cũng giống như đám trẻ trong Narnia hay Famous Five (tạm dịch: Ngũ quái nổi tiếng) đối với tôi. Điều đó đã khiến tôi nhận ra rằng thằng bé đang lớn lên trong một thế giới khác xa với thời thơ ấu của tôi.

Mỗi thế hệ sống trong một thế giới khác, đương nhiên, nhưng khoảng cách giữa những năm tháng trưởng thành của James và của tôi thật đáng sửng sốt. Thằng bé đang sống trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của những biến động xã hội và công nghệ – những thứ mà tôi khi nhỏ hẳn là không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí cả những quyển sách chúng ta đọc cũng đã trở thành dòng dữ liệu mơ hồ thu về từ những dải sóng vô hình trong không gian.

Ngụp lặn trong những câu chuyện này khiến tôi thấy mình lại giống như một đứa trẻ, nhưng nổi lên từ những trang cuối cùng lại khiến tôi đột ngột thấy mình già đi. Cháu tôi – những đứa con của James – rồi sẽ thích loại truyện nào? Liệu Percy Jackson và Skulduggery Pleasant có lỗi thời đối với chúng giống như Ben và Jennet đối với James, hay món bia gừng của Julian, Dick and George trong Famous Five đối với tôi?

Điều đó là chắc chắn. Nhưng dù bối cảnh có trở nên lạ lẫm thế nào với những độc giả tương lai, những đứa trẻ vẫn sẽ luôn bị cuốn hút với những câu chuyện đáng sợ. Khi những đứa cháu tương lai của tôi tìm kiếm thứ gì đáng sợ ra trò để đọc trong ánh đèn pin dưới tấm chăn bông, tôi có thể chỉ cho chúng hướng đi đúng.

Theo Guardian

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo