Tôi chọn đọc sách của nhiều tác giả nữ cho những chuyến đi

0 Bình luận ... Được đăng bởi Admin

Tất cả đã bắt đầu một cách ngẫu nhiên. Khi đó, tôi còn là sinh viên năm nhất, đang trên chuyến bay 45 phút về nhà thăm bố mẹ. Với nỗi lo âu, căng thẳng (Lỡ máy bay rơi thì sao? Tôi không muốn mắc kẹt ở một hòn đảo nào đó, hay tệ hơn là Waco, Texas, mà không có gì để đọc) xen chút phân vân, chuyến đi nào tôi cũng mang theo ba bốn quyển sách.

 

Sở thích của tôi khi đó là sở thích của một đứa vừa tốt nghiệp phổ thông, cái thời mà tôi toàn đắm chìm vào những câu chuyện khoa học viễn tưởng và các cốt truyện đậm tính khái niệm của Kurt Vonnegut, Chuck Palahniuk và Don Delillo, những tác giả mà giáo viên giới thiệu. Ở những lớp học tôi đăng ký, các giáo sư cũng chỉ định đọc cùng những tác giả ấy, chỉ trừ một vị mà cả học phần toàn giảng về các sách đã từng bị cấm hay kiểm duyệt cắt bỏ trong lịch sử (ông tự nhận là một kẻ du thủ du thực, ăn vận và nói năng như thể Han Solo). Từ đó, tôi dần hiểu nối khao khát của Henry Miller và kiểu văn chương phức tạp của Vladimir Nabokov (hai tác giả có sách từng bị cấm).

Tôi chưa bao giờ nhận ra hay bận tâm về việc mình đọc nhiều sách do nam giới viết và viết về nam giới hơn là sách của tác giả nữ và về nữ giới. Cũng có vài trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung, giới tính không quyết định việc tôi chọn đọc sách gì, cũng như nó không làm nên một bác sĩ giỏi hay một người bạn cùng phòng tốt. Viện dẫn tư tưởng tiến bộ, tôi khẳng định mình không quan tâm về giới. Tôi đọc những gì tôi đọc vì tôi thích tìm ra câu trả lời cho những vấn đề quan trọng, thích những giọng văn phê phán chế độ, thích những bài học triết lý ngầm ẩn trong cốt lõi câu chuyện. Cô cậu thiếu niên nào mà chẳng tìm kiếm cho mình một tín điều nào đó chứ? Tôi là một độc giả cố chấp, tôi không muốn người ta lý giải về cuộc sống cho mình một cách đơn điệu hay tệ hơn, với thái độ thờ ơ.

Tôi không tìm kiếm bóng dáng mình trong những câu truyện tôi đọc, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp mình trong đó. Những lúc ấy, cứ như thể là tôi nhìn vào những tấm gương cứ phóng đại khuyết điểm trên mặt mình lên vậy, và tôi liền ngoảnh mặt đi nhanh nhất có thể.

 

Vì vậy, tuy ở một góc hành lý của tôi luôn có quyển On the Road (Trên đường) sờn cũ, giữa đám dây tai nghe rối nùi và lũ BVS. Nhưng dù là chọn đọc để giải trí hay chiêm nghiệm, tôi vẫn thường lờ đi tiếng nói các cây bút nữ.

Trong chuyến đi đặc biệt này, tôi đã quyết định mang theo Rabbit, Run của John Updike (theo một gợi ý) và một tuyển tập truyện ngắn (bài tập). Tôi rất nóng lòng được đọc tác phẩm của Updike về một cựu vận động viên với những mộng tưởng tan vỡ về vinh quang mà người ta vẫn thường gán cho thể thao, và tôi đã mở sách ra đầy háo hức. Nhưng rồi khi đọc được khoảng 20 trang, tôi phải dừng lại. Một đoạn văn khiến tôi thực sự cảm thấy muốn bệnh:

Lũ con gái nhà giàu thì nhạt nhẽo? Còn bọn cuồng dâm thì sao? Cũng phải thay đổi chứ. Dù gì thì cũng là đàn bà mà thôi. […] Thật buồn cười là lũ con gái cuồng nhiệt thì thường khô khốc và quá chặt trong khi tụi chậm chạp lại ẩm ướt. Quan trọng là “chơi” cho tụi nó “gần tới” thôi. Cũng dễ biết: lớp da dưới lần lông của tụi nó mềm ra cứ như là cổ chó ấy.

Tôi không ủng hộ việc cảnh báo trước một tác phẩm có yếu tố gây sốc, nhưng trong trường hợp này thì điều đó hóa ra lại có lợi. Những từ “mềm ra cứ như là cổ chó” thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tôi một cách khó chịu. Lần đầu đọc những lời ấy, tôi cảm thấy như thể mình bị hạ thấp, chỉ như một vật nuôi, một con thú mà thôi. Nhưng rồi tôi vẫn thấy mâu thuẫn. Tôi nhớ đến lời giáo sư của tôi, người đã giới thiệu tôi đến với các tiểu thuyết đậm tính hiện thực hơn: “Đây không phải là câu lạc bộ sách Oprah. Đọc sách không phải là cứu cánh. Tác phẩm không viết về các trò đâu.” Vậy mà vì sao tôi vẫn chẳng thể thích Updike, một vị phù thủy về ngôn từ, người mà đã biến hóa câu chữ để gây bất ngờ và làm lóa mắt? Chẳng lẽ tôi là một độc giả kém cỏi sao, khi không thể ngừng tự liên hệ bản thân với câu chuyện để tập trung hơn vào diễn tiến của nó, cách nó tái hiện cuộc sống một cách nghệ thuật?

Đó là lần đầu tôi chẳng thèm quan tâm nữa. Đúng là đọc và viết là để tái tạo những vùng đất và con người qua thanh âm và câu chữ sao cho phù hợp với bối cảnh và tính cách nhân vật, nhưng đọc và viết cũng là để lý giải thế giới này, để đưa ra một quan điểm về nó. Là sinh viên năm nhất học trong khoa Ngôn ngữ Anh toàn nam giới, tôi đã nghe cánh mày râu lý giải cách họ nhìn nhận thế giới này hết ngày này qua ngày khác rồi.

Những năm sau đó, tôi dần nhận ra rằng, nói một cách khái quát, tác phẩm do những người không-thuộc-phần-thứ-yếu của xã hội viết hay viết về họ (ý chỉ người đàn ông da trắng) thường tự nhận là phản ánh khách quan “sự thật” (tác phẩm tôi từng yêu thích On the Road cũng thế). Điều này cũng đúng thôi – giọng văn của chúng đã được đồng bộ hóa với những tiếng nói to lớn nhất, hay đúng hơn là được khuếch đại nhiều nhất, mà chúng ta đã nghe từ ngày này qua ngày khác. Hay mặt khác, chúng lại thể hiện những nhân vật không thích nghi được, thường chất vấn hay chống đối một nguyên tác bao quát hay quan điểm (như trong tác phẩm tôi vẫn còn yêu thích Slaughterhouse-Five).

Ngược lại, sách viết bởi hay viết về những người yếm thế hơn không cần phải tạo ra những bối cảnh khó thích nghi để giữ cho mọi thứ được thú vị – về mặt nào đó, bản thân chúng đã là cái “dị vật” đó rồi. Tự chúng đã phản bác những quy chuẩn xã hội, tất cả những gì chúng ta phải làm là nhận ra điều đó. Ngày một trưởng thành hơn, tôi ngày càng thích thú với những câu chuyện thâm thúy đó.

Hiển nhiên tôi phải khẳng định: không phải nam giới nào cũng vậy. Hiển nhiên là luôn có ngoại lệ, đặc biệt là khi ra khỏi môi trường chật hẹp của trường phổ thông và các học phần đại học. Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng những nhân vật chính chống lại phụ nữ một cách thái quá (chỉ đôi khi được viết bởi những tay thái quá chống lại phụ nữ) như Rabbit chỉ là quá khứ. Trong nhiều tác phẩm đương đại của nam giới, phụ nữ vẫn bị chế giếu, cười nhạo và lợi dụng. Tác phẩm tự trào My Struggle của Karl Ove Knausgaard nói về những cuộc dan díu của ông với trẻ em gái vị thành niên; The Marriage Plot của Jeffrey Eugenides (ông có thể viết về phụ nữ rất hay nếu cố gắng) khắc họa một nhân vật nữ ủng hộ nữ quyền một cách xuẩn ngốc, không hiểu vì sao lại đổ lỗi cho hình thù dương vật của các tòa nhà đã gây ra mọi vấn đề trong xã hội; và quyển sách sắp ra mắtPurity của Jonathan Franzen, viết về một nhân vật nữ chính can trường mà số mệnh của cô là trở thành một kẻ lánh đời gàn dở khi bị mất hết sức hấp dẫn giới tính của mình.

Thế là quá đủ!

Những câu chuyện như trên có thể bóc trần một vài sự thật đáng buồn về cuộc sống, nhưng chúng không nên át đi tiếng nói bày tỏ cách nữ giới nghĩ về nữ giới. Vậy mà chúng đã át đi được đấy. Sách của nam giới được phê bình nhiều hơn, được nhiều giải thưởng hơn và thường truyền được cảm hứng hơn cho những tài năng trẻ. Một nữ tác giả gần đây phát hiện rằng sử dụng bút danh nam sẽ “lấy điểm” cho cô trong mắt các công ty đại diện. Những phát hiện này đã đưa đến nhiều chiến dịch, trong đó có cuộc vận động Năm đọc các cây bút nữ 2014 và có người đã đề xuất lấy năm 2018 là Năm nữ giới xuất bản sách. Và mặc dù tôi nghĩ rằng các xuất bản phẩm không nên quá đơn điệu và hạn chế, tôi mong là các nhà xuất bản sẽ tham gia và các cuộc vận động này.

Bởi vì dù tôi có thích thế hay không, giới tính hiện diện trong tất cả những gì tôi đọc, đánh trống khua chiên ầm ĩ hay được gói ghém ngầm trong từng câu chữ. Ngày hôm ấy, trên máy bay, tôi đã vô tình ký một cam kết dài hạn: rằng cả đời tôi sẽ dành để đọc nhiều tác phẩm nữ giới hơn – hay ít nhất là cũng nhiều như những tác phẩm nam giới.

Bị tác phẩm của Updike làm cụt hứng, tôi cần một cái gì đó để đổi khẩu vị. Tôi mở tuyển tập truyện ngắn ra đến phần Mục lục và chọn tác phẩm ngắn nhất trong đó, chỉ để có cái gì khác thứ ấy để mà nghĩ đến. Wantscủa Grace Paley chỉ có 2 trang. Quá hợp ý tôi.

 

Câu chuyện bắt đầu một cách đơn giản bằng việc người kể chuyện bắt gặp chồng cũ trước ngưỡng cửa vào thư viện công cộng. Những bất đồng đã dẫn tới việc họ ly dị nhanh chóng xuất hiện trở lại: người chồng có những tham vọng lớn lao trong khi cô vợ theo đuổi những ước vọng mơ mộng hão huyền hơn. Anh chồng cạnh khóe cô rằng sao cô chẳng bao giờ mời bạn bè chung của họ đến ăn tối, rồi sau đó cô vợ phải suy ngẫm lại về giá trị của chính mình. Trong một đoạn văn đầy sức gợi, Paley viết:

Anh ta đã có thói quen suốt 27 năm cứ đưa ra lời nhận xét hẹp hòi mà chính nó như một con rắn, cứ len lỏi qua tai, xuống cổ họng và nửa đường vào tim tôi. Rồi anh ta biến đi, bỏ lại tôi mắc nghẹn với cái “của quý” của anh ta. Ý tôi là, tôi ngồi xuống bậc thềm thư viện còn anh ta đã bỏ đi rồi.

Thật đơn giản, bằng một giọng văn khách quan rất phù hợp, bà đã mô tả được cái cảm giác của tôi sau khi đọc Rabbit Run, ngồi bất động khi một người đàn ông cố lý giải về tôi với chính bản thân tôi. Chính vì lý do này mà tác phẩm của bà đã trở thành kinh điển, một nhà văn đã chọn tác phẩm đó vào Đề cử tác phẩm của Electric Literature thán phục cách bà “cố gắng để không chỉ viết về cái sai trái mà còn sửa đổi nó, để đưa ra một bài học quan trọng hơn mọi thủ thuật ngôn từ.”

Đó là lý do vì sao những cây bút nữ giới như Grace Paley là vô cùng quan trọng. Bởi vì khi đọc Wants và sau đó là những tác phẩm khác của bà, tôi thấy chính mình trong đó. Và trong đó tôi không có vẻ nóng bỏng, hay giống như một loài thú kỳ dị lông lá nào cả. Tôi không có một khí chất siêu năng lực nào, nhưng tôi cũng chẳng cần ai cứu giúp tôi. Trong đó, tôi là chỉ là một con người, có khuyết điềm nhưng là người tốt. Tôi cứ đọc câu chuyện đó hết lần này đến lần khác tới khi máy bay hạ cánh. Giờ đây, tôi đã thuộc câu chuyện nằm lòng.

Theo HuffPost

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo